Số hóa di sản để bảo tồn, phát huy giá trị bền vững

Số hóa di sản văn hóa được xem là giải pháp tối ưu hóa khả năng lưu trữ, quản lý, bảo tồn cũng như khai thác, quảng bá, nâng tầm giá trị di sản theo hướng bền vững. Vì vậy, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai công tác số hóa di sản, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa di sản cổ xưa với công nghệ hiện đại, góp phần phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.


Du khách quét mã QR để tìm hiểu về di tích Văn Miếu tỉnh 

Văn Miếu tỉnh là công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc của tỉnh, thờ các bậc tiên thánh, tiên nho và danh nhân khoa bảng của Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn. Để tăng hiệu quả quảng bá du lịch, năm 2023, Bảo tàng tỉnh phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng thông minh “63Stravel” đăng tải các nội dung thuyết minh, giới thiệu về cảnh quan kiến trúc, giá trị văn hóa của công trình Văn Miếu tỉnh và các hình ảnh tích hợp về không gian Văn Miếu tỉnh lên nền tảng ứng dụng. Từ đó, tạo lập các mã QR để du khách có thể sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động giới thiệu về Văn Miếu tỉnh bằng 4 thứ tiếng gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản kèm theo hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.

Hiện Bảo tàng tỉnh tạo lập tại Văn Miếu tỉnh 23 mã QR, trong đó có 5 mã QR thuyết minh, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị văn hóa, không gian cảnh quan, kiến trúc Văn Miếu và giới thiệu về truyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của dân tộc. 18 mã QR còn lại được tích hợp thông tin giới thiệu chi tiết về lý lịch, thân thế, sự nghiệp của các tiến sĩ được khắc tên trên bia tại Văn Miếu tỉnh. Nhờ việc tích hợp giới thiệu thông tin tại ứng dụng 63Stravel và tạo lập các mã QR đã tạo hiệu ứng tích cực trong việc quảng bá giá trị văn hóa của Văn Miếu tỉnh.

Còn với Huyện đoàn Bình Xuyên, thực hiện nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh đoàn giao, đến nay, 100% đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá một số địa chỉ đỏ, di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn huyện với 13 di tích được gắn mã QR Code. Đây là các công trình thanh niên nhằm xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ tại các địa danh, di tích lịch sử. Công trình được thiết kế thông qua 02 mã QR, được các cấp bộ đoàn số hóa trên 2 ứng dụng: Mã QR thứ nhất là Đồ họa thiết kế, mô tả về lý lịch và di tích lịch sử của đình thông qua file pdf (gồm chữ và ảnh minh họa). Mã QR thứ hai là video clip phóng sự từ 15 đến 20 phút, thuyết minh giới thiệu lịch sử, văn hóa của điểm di tích lịch sử, văn hóa gắn với những hình ảnh, hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống quen thuộc, gần gũi diễn ra tại di tích cùng với hoạt động thường nhật của người dân địa phương. Bí thư Huyện đoàn Lê Hồng Quân cho biết: “Chỉ với thao tác quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách và Nhân dân có thể truy cập website giới thiệu tổng quan về di tích và dễ dàng tìm hiểu thông tin dữ liệu giới thiệu về những đặc điểm của các di tích lịch sử văn hóa như: Lịch sử hình thành, các nhân vật lịch sử gắn với di tích, niên đại xây dựng, quá trình biến đổi, giá trị văn hóa, nét đẹp kiến trúc, bản đồ địa chỉ di tích…”.

Ngoài ra, để phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong tuyên truyền, giới thiệu di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện đoàn còn ra mắt Câu lạc bộ tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện. Câu lạc bộ có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng, các bộ phận liên quan, sưu tầm, biên tập, thiết kế nội dung và tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trên địa bàn bằng các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trên các nền tảng khác nhau, bảo đảm tính chính xác về nội dung của thông tin. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa; quảng bá hình ảnh quê hương, con người Bình Xuyên đến mọi miền đất nước và trên thế giới; hình thành cách tiếp cận mới về quảng bá du lịch trong xu thế thời đại công nghệ 4.0.


Các đoàn viên thanh niên huyện Bình Xuyên hướng dẫn người dân quét mã QR
để tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa đền Thánh mẫu, 
thị trấn Thanh Lãng

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 420 di tích cấp tỉnh; 571 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Hát ca trù, kéo song Hương Canh, lễ hội đền Ngự Dội, hát Sọong Cô của người Sán Dìu, hát Trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.

Bên cạnh công tác số hóa tài liệu giới thiệu các điểm di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin du lịch; ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị. Xây dựng hệ thống dữ liệu của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, kết nối liên thông với nhau, góp phần từng bước xây dựng bản đồ du lịch số.

Để bảo tồn di sản văn hóa bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 52 về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 – 2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa và tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh; xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin về di sản văn hóa Vĩnh Phúc. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang khẩn trương kiểm kê các di sản văn hóa trên địa bàn; phân loại, đánh số tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh để thực hiện số hóa tư liệu di sản văn hóa.

Đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thực hiện tu bổ, chống xuống cấp các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng; xây dựng Đề án Phiên âm, dịch nghĩa, bảo quản và phát huy nguồn tư liệu Hán – Nôm tại Thư viện tỉnh. Tỉnh cũng vinh danh 25 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú thuộc các loại hình trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng; hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Câu lạc bộ dân ca tiêu biểu.

Hồng Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.