Chiều 24/12, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành hoạt động năm 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Các đồng chí: Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; Nguyễn Bá Hiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp: tỉnh, huyện, xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ, công chức cấp huyện và 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính để làm việc. Thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Vĩnh Phúc, đã kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành. Đặc biệt, Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đều có Trung tâm dữ liệu vận hành hiệu quả các ứng dụng và cơ sở dữ liệu. Trung tâm Hạ tầng thông tin được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm điều kiện vận hành các ứng dụng và cơ sở dữ liệu của tỉnh. Hạ tầng truyền dẫn được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, làng.
Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao Chỉ số chuyển đổi số năm 2022 ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Ban chỉ đạo chuyển đổi số đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố bám sát Kế hoạch nâng cao Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, phân công rõ từng đầu việc, cá nhân hóa trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để đưa Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2022 nằm trong top 20 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; rà soát lại một số nhiệm vụ giao các sở, ngành để tránh sự chồng chéo.
Liên quan đến mục tiêu cải thiện và nâng cao Chỉ số chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, dự kiến nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương; hướng dẫn tổ chức thực hiện chung trong toàn tỉnh.
Khẳng định chuyển đổi số là lĩnh vực mới nhưng đóng vai trò quan trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các ngành, đơn vị cần tiếp cận theo hướng trực quan, mã hóa, chuẩn hóa số liệu; thông tin cần công khai, minh bạch, thống nhất giữa các ngành. Cho ý kiến vào Báo cáo kết quả chỉ đạo, điều hành, hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, đồng chí yêu cầu phần phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 cần cụ thể hóa các nhiệm vụ một cách chi tiết, rõ ràng và có 2 phần cụ thể, trong đó, một phần thể hiện rõ sự phát triển mới, một phần tích hợp, điều chỉnh những hạn chế của phần mềm cũ, số liệu cũ nhằm tránh lãng phí nguồn lực.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đã thông qua dự thảo Quy chế hoạt động Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Kế hoạch cải thiện và nâng cao Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động cơ quan nhà nước năm 2022.
Hồng Yến