Chuyển động mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc ghi nhận chuyển động mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 488/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc tích cực giúp tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng trong lộ trình chuyển đổi số.

 6 tháng qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 1 Chỉ thị, 3 Quyết định và 8 Kế hoạch liên quan tới nhiệm vụ chuyển đổi số. Theo tổng hợp của Sở, đến 31/5/2022, có 27/36 cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025;  23/36 cơ quan đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc triển khai thí điểm chuyển đổi số
tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường

Triển khai nhiệm vụ thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viễn thông Vĩnh Phúc hoàn thiện việc cải tạo phòng điều hành, lắp đặt hệ thống các thiết bị điện nhẹ, màn hình ghép hiển thị trực quan thông tin phục vụ giám sát, đường truyền phục vụ công tác truyền số liệu và các thiết bị công nghệ thông tin tại phòng điều hành. Hệ thống của Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh bước đầu giúp thu thập thông tin bằng công nghệ một cách chính xác, trực quan dựa trên dữ liệu số về y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. 

Phần mềm một cửa dịch vụ công trực tuyến iGate chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2022 đã kết nối 651 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 27/5/2022 đã thực hiện 3.812 giao dịch thanh toán trực tuyến qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia với tổng số tiền giao dịch hơn 3,3 tỷ đồng. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 189 cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài khả năng liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa cấp tỉnh/huyện/xã trong nội bộ các cơ quan đang sử dụng phần mềm quản lý văn bản dùng chung thì hệ thống phần mềm quản lý văn bản dùng chung còn có thể liên thông gửi nhận văn bản điện tử lên Trục liên thông văn bản quốc gia với các cơ quan Trung ương. Từ 1/1/2022 đến 25/5/2022, có 410.269 văn bản đến và 116.620 văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản ở cả 3 cấp; có 114.754 văn bản đi ký số trên phần mềm quản lý văn bản. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh là 98%; các sở, ban, ngành là 99%; UBND các huyện, thành phố là 96%; UBND các xã, phường, thị trấn là 98%.

Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch tuyên truyền lưu động nhằm khuyến khích người dân, cán bộ công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán hóa đơn hàng hóa, thanh toán trên cổng dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt như: nâng cấp, tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh trong thanh toán điện tử…

Đức Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.