Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0

Sáng 6/12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao công nghiệp 4.0 theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 32 điểm cầu quốc tế với chủ đề “Phục hồi phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Diễn đàn.

Dự Diễn đàn tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn và các đại biểu dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Diễn đàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, là dịp để các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân và các nhà nghiên cứu, các viện, trường và khu vực doanh nghiệp trao đổi, thảo luận thống nhất. Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, các cơ quan Quốc hội sẽ tiếp tục tham gia sâu sắc, toàn diện hơn trong việc hoàn thiện chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như kế hoạch hành động để thực hiện những chiến lược này.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung thảo luận, đánh giá, hướng tới mục tiêu, đó là trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và sắp tới là hậu Covid-19 thì chúng ta phải hành động như thế nào để vượt qua, khắc phục được những thiệt hại, khó khăn, bất cập, tồn tại. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một nghị quyết mới của Trung ương về công nghiệp hóa – hiện đại hóa nhằm thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Tham luận tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ định hướng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các vấn đề về công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số; tương lai kinh tế toàn cầu sau đại dịch; đổi mới sáng tạo – chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19; chuyển đổi số quốc gia hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và đề xuất các mô hình, định hướng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong bối cảnh mới. Nhiều tham luận còn tập trung đánh giá cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh, năng lượng xanh và các năng lượng mới, các mô hình kinh doanh mới; xây dựng chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, để phục hồi, phát triển kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể trong việc phát triển, ứng dụng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, từng đối tượng, nhất là với các đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ, hộ nghèo, hộ chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển thanh toán tiền mặt sang giao dịch thanh toán điện tử. Tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao kỹ năng số cho người người dân. Tăng cường công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin không gian mạng. Tăng cường hợp tác quốc tế, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong quá trình đổi mới…

Khẳng định chuyển đổi số không phải là một khẩu hiệu, không thể làm theo phong trào mà là động lực chính để phát triển, thay đổi tư duy và hành động của mỗi người trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trước những vấn đề mang tính toàn cầu, chúng ta cần có cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân và lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Và trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, việc chuyển đổi số là yêu cầu tiên quyết để tiếp cận và giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số dựa trên 3 nội lực là con người, thiên nhiên và văn hóa truyền thống lịch sử của dân tộc, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền số, công dân số. Đẩy nhanh tốc độ phục hồi phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số, tăng cường niềm tin của doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế về chuyển đổi số.

Thanh Nga

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.