Sau 3 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, phong trào sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực thực hiện. Cùng với việc phát triển về số lượng thì việc nâng hạng sao sản phẩm OCOP đang là vấn đề được các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất chú trọng nhằm tạo sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cũng như tiềm năng phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa xuất khẩu.

Từ nghề nấu rượu truyền thống của gia đình, sau nhiều nỗ lực để thay đổi mẫu mã và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, năm 2020, cơ sở sản xuất rượu của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên đã có 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, gồm: Rượu gạo Horse style, rượu gạo nếp Horse style, rượu nếp chắt Horse style, rượu táo mèo Horse style, rượu chuối hột Horse style. Anh Thắng chia sẻ: “Hiện cơ sở sản xuất của gia đình vẫn áp dụng cách làm truyền thống trên công nghệ hiện đại, trong đó, gia đình vẫn ủ men theo cách truyền thống, khi chưng cất thì áp dụng hệ thống hiện đại để tách lọc các độc tố. Cũng vì vậy, chúng tôi đã đầu tư công nghệ với nguồn kinh phí tương đối lớn.”
Hiện tại, cơ sở sản xuất của anh sử dụng chủ yếu nguồn gạo Khang dân, gạo 504, nếp cái hoa vàng và nếp tẻ (nếp truyền thống) để làm nguyên liệu sản xuất rượu. Mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 lít; giải quyết việc làm cho 1 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ. Sản phẩm rượu của gia đình chủ yếu tiêu thụ trực tiếp trong dân và các cơ quan, một số xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cũng theo chia sẻ của anh Thắng, hiện cơ sở sản xuất của gia đình đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ vào các nhà hàng và kênh phân phối bán lẻ; sản phẩm chưa được phổ biến rộng rãi và khó cạnh tranh với thị trường bởi chất lượng bảo đảm, an toàn với người sử dụng nên giá thành cao.
Tiếp tục xây dựng thương hiệu bằng việc nâng sao sản phẩm, anh Thắng chia sẻ, cơ sở đang hướng tới việc cải tiến, nâng cấp quy trình trưng cất rượu hiện đại hơn, đưa ra tiêu chí khắt khe hơn về nguồn gạo với việc đặt sản xuất gạo và kiểm soát chặt chẽ quy trình gieo cấy. Tuy nhiên, cũng theo anh Thắng: “Việc nâng sao với cơ sở sản xuất của gia đình còn gặp nhiều khó khăn và phải thực hiện từng bước. Bởi tôi sẽ phải đầu tư nguồn kinh phí lớn để nâng cấp công nghệ, thay đổi mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường và tiêu chí ngày càng cao của khách hàng. Đồng nghĩa với việc làm này là giá thành sản phẩm sẽ tăng, gây khó khăn trong tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ của sản phẩm.”
Mặc dù theo anh Thắng, thời gian qua, cùng với việc tăng cường quảng bá trên các trang thông tin điện tử, website của cá nhân, một số gian hàng của gia đình, UBND tỉnh và các ngành chức năng cũng như thành phố Phúc Yên đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ cơ sở sản xuất của gia đình quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua các gian hàng trưng bày của tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và đây là mặt hàng quảng cáo có điều kiện nên việc quảng bá sản phẩm cũng chưa được như mong muốn. Hiện tại, anh tiếp tục đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, quảng bá theo hướng truyền thống, đi từ 1-2 kênh đầu mối đã tin cậy vào chất lượng của sản phẩm để lan tỏa ra thị trường. Anh hy vọng với cách làm này, anh sẽ dần mở rộng thị trường tiêu thụ bằng việc khẳng định chất lượng sản phẩm.

Gần 20 năm công tác trong ngành Y, bác sỹ chuyên khoa Y học cổ truyền và nội nhi Trương Anh Tuấn đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Qua nghiên cứu lâm sàng và trực tiếp điều trị cho những người hay uống rượu, có men gan, mỡ máu cao tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo nơi anh công tác, nhận thấy hiệu quả của trà đinh lăng và cà gai leo, anh đã sản xuất và nhân rộng sản phẩm này. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, sản phẩm trà đinh lăng cà gai leo do anh sản xuất đã đạt hạng 3 sao sản phẩm OCOP của tỉnh. Anh Tuấn chia sẻ: “Ngoài các dược liệu được trồng tại gia đình là đinh lăng và cà gai leo, còn các dược liệu khác như cắt căn, sắn dây, bìm bìm, tất cả đều mọc tự nhiên trên núi Tam Đảo, được gia đình thu mua về sản xuất. Hiện tại, mỗi năm, cơ sở sản xuất của gia đình cung cấp ra thị trường trên 3.000 hộp trà túi lọc.
Để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, anh đang nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng sản phẩm trà dạ dày, qua thực tế đánh giá chất lượng nếu hiệu quả anh sẽ đưa vào phát triển rộng rãi. Luôn hướng tới việc nâng hạng sao sản phẩm của mình, anh Tuấn cho biết, ngoài việc đổi mới, cải tiến mẫu mã, bao bì để sản phẩm bắt mắt thì phải áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất với số lượng và quy mô lớn. Như vậy, việc phát triển thành hợp tác xã hoặc mở doanh nghiệp sản xuất mới đáp ứng được những tiêu chí của việc nâng hạng sao. Đối với hộ sản xuất kinh doanh nhỏ như gia đình anh chưa có khả năng về nguồn kinh phí và khó để đáp ứng nhu cầu thị trường khi phải tăng giá thành sản phẩm bởi những chi phí tăng thêm từ việc đầu tư công nghệ vào sản xuất.
Cũng như vậy, chị Trần Thị Liên Hoa, chủ cơ sở sản xuất cá thính Dũng Hoa, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch cho biết, làm cá thính là nghề truyền thống của gia đình, chị đã phát triển nghề hơn 10 năm nay. Sau rất nhiều nỗ lực từ nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì và các quy trình, thủ tục về hồ sơ, năm 2021, sản phẩm cá thính của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Tuy nhiên, do khâu quảng bá sản phẩm của gia đình chưa được đầu tư, chú trọng nên lượng khách hàng còn hạn chế, chủ yếu là nguồn khách cũ, chưa mở rộng được thị trường mới., mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình chỉ tiêu thụ từ 60-70kg cá. Chị Hoa chia sẻ: “Mặc dù gia đình đã cố gắng đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đầu tư tem mác, thay đổi mẫu mã, tuy nhiên, vẫn chưa có khả năng để đầu tư phát triển thương hiệu, đồng nghĩa với việc khó để nâng hạng sao. Mặc dù gia đình rất muốn có mẫu mã đặc trưng để sản phẩm của gia đình không bị lẫn với những sản phẩm cá thính vốn đang được sản xuất tràn lan tại Lập Thạch, nhưng nguồn vốn gia đình eo hẹp và để đầu tư sẽ kéo giá thành sản phẩm tăng lên, rất khó khăn để thu lại lợi nhuận và cạnh tranh với thị trường.”
Trao đổi về vấn đề này, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch Nguyễn Huy Lập cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 4 cơ sở sản xuất với 7 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP và tất cả đều đạt hạng 3 sao. Trong đó, chủ yếu là cơ sở sản xuất hộ gia đình, đa số sản xuất thủ công, theo phương pháp truyền thống, nên chất lượng chưa được nâng lên; nhãn mác, hình thức, bao bì chưa được đầu tư, sản phẩm chưa được bắt mắt để có thể quảng bá rộng rãi trên thị trường. “Hằng năm, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP mới. Riêng đối với việc nâng sao cho sản phẩm, mặc dù chưa đáp ứng đủ tiêu chí về thời gian là 3 năm để nâng hạng sao, nhưng địa phương cũng đã hướng dẫn tuyên truyền đến các hộ sản xuất vê chủ trương của tỉnh triển khai cơ chế hỗ trợ nhằm khích lệ các cơ sở sản xuất nâng hạng sao sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, một trong những khó khăn lớn là các cơ sở trên địa bàn có quy mô sản xuất nhỏ và thị trường tiêu thụ hạn hẹp, chưa ý thức cao việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, dẫn đến thiếu mạnh dạn đầu tư nguồn vốn. Do đó, khó có thể đáp ứng các tiêu chí nâng sao.”- ông Lập chia sẻ thêm.
Hằng năm, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đều duy trì tổ chức phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 61 sản phẩm đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP hạng 3 sao, 4 sao. Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nâng hạng sao, tại Quyết định số 53 của UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các cá nhân, đơn vị có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất; hỗ trợ quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP, bao gồm cả chi phí đăng ký và thiết kế nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị, cá nhân tham gia chương trình OCOP cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí trong quá trình tham gia gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ; chi phí xây dựng website quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm.
Như vậy, để nâng sao sản phẩm OCOP, bên cạnh sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, các cơ sở sản xuất cần chủ động, mạnh dạn hơn trong đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dây chuyền sản xuất cũng như mẫu mã bao bì. Đồng thời, chủ động nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển sản phẩm để cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt, tìm giải pháp hỗ trợ tháo gỡ.
Hồng Yến